Ngày 24-11, qua khảo sát thực tế tại ký túc xá của trường này, chúng tôi khẳng định các SV bị bệnh viêm da do dị ứng với những chất tiết gây rộp da của loài côn trùng có tên Paederus littoralis. Đây là bệnh đã xảy ra ở Long An hồi tháng ba, tháng 4-2004 và cũng từng xảy ra ở TP.HCM.
Tổn thương do côn trùng đốt |
Loài côn trùng Paederus littoralis có hình dáng giống như hột thóc, dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm, mình dẹt, bò rất nhanh, thường sống ở vùng nông thôn hoặc khu vực ngoại thành có nhiều rơm rạ hoặc xác cây cỏ mục và tiết ra chất pederin gây dị ứng da. Vì vậy, bệnh viêm da dị ứng do loại côn trùng này thường xảy ra ở những nơi trên.
* Biểu hiện của bệnh thế nào, điều trị ra sao?
TT - Vài tháng gần đây, hàng trăm sinh viên ở ký túc xá Trường cao đẳng Sư phạm mẫu giáo trung ương 3 (cơ sở 2, Q.9, TP.HCM) phải đi khám bệnh vì bị viêm da dị ứng. Ông Nguyễn Đắc Thọ - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết:
- Thật ra, nếu côn trùng Paederus littoralis vào nơi ở của sinh viên và chỉ bò lên da thôi thì thường gây ngứa chứ chưa tiết ra chất pederin. Chỉ khi ta dùng tay đập nó xẹp, dập thì mới tiết ra chất này gây dị ứng. Khi bị dị ứng chất tiết này, bề mặt da sẽ nổi mụn rộp, bóng nước, ngứa. Tùy theo chất tiết này dính trên da nhiều hay ít mà vết mụn rộp sẽ to, nhỏ tương ứng. Biểu hiện bệnh không nặng, không gây chết người nhưng nếu không giữ vệ sinh da sạch sẽ có thể nhiễm trùng da, thậm chí gây loét da. Thường các vết rộp sẽ tự khỏi trong một tuần đến mười ngày. Để tránh nhiễm trùng, có thể dùng thuốc Xanhmetylen bôi ngoài da, thuốc thoa da chống dị ứng...
* Có cách nào phòng tránh không, thưa ông?
- Do ký túc xá nằm ở môi trường rộng mênh mông, xung quanh lại có nhiều cây cỏ, bụi rậm um tùm nên việc phòng chống không đơn giản. Tuy nhiên, có thể thực hiện một biện pháp như dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nơi ở, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng. Ngoài ra, vào chiều tối loại côn trùng Paederus littoralis nhạy cảm và thích đến những nơi có ánh sáng đèn huỳnh quang. Do đó có thể dùng đèn huỳnh quang để ngoài cửa dụ nó vào và tiêu diệt. Khi Paederus littoralis bò lên da, nên dùng tay hất xuống đất và dùng chân mang dép hoặc vật gì đó đập cho chết, tránh để dịch tiết của nó dính vào da.
* Trung tâm Y tế dự phòng TP có biện pháp gì để hạn chế tình trạng SV bị viêm da dị ứng do côn trùng hay không?
- Theo kế hoạch, đầu tuần này chúng tôi sẽ cho phun xịt thuốc diệt côn trùng trong phòng và xung quanh ký túc xá. Tuy nhiên, việc phun thuốc chỉ diệt được côn trùng ở vùng có phun. Vì vậy phải kết hợp thêm các biện pháp kể trên để hạn chế sự phát triển của nó.
* Xin cảm ơn ông.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét