Nhãn:

VIÊM DA TIẾP XÚC NHẦM VƠI ZONA THẦN KINH

Đến Bệnh viện Trung ương Huế, chúng tôi nhận được một thông tin là trong 3 năm 2008-2009-2010, từ các tuyến chuyển bệnh nhân đến tại phòng khám da liễu có một sự nhầm lẫn rất đáng quan tâm, đó là trong 3 năm, số bệnh nhân viêm da do tiếp xúc với côn trùng được chuyển đến phòng khám da liễu của bệnh viện là 169 người nhưng trong giấy chuyển viện gửi tới thì 136 người chẩn đoán là bị bệnh zona. Mức độ nhầm lẫn lên tới 80,4%.

Chúng tôi đã tìm gặp BSCKII Nguyễn Đức Long – Trưởng khoa Da liễu của Bệnh viện Trung ương Huế để hỏi cụ thể về sự lầm lẫn này.


Bệnh zona thần kinh
PV: Thưa BS thông tin mà chúng tôi nhận được có đúng không ạ?
BS. Nguyễn Đức Long: Hoàn toàn đúng như vậy.

PV: Thưa BS, tại sao lại có sự nhầm lẫn đáng tiếc như vậy?
BS. Nguyễn Đức Long: Bởi 2 bệnh này có những yếu tố gần giống nhau cho nên rất dễ bị nhầm lẫn.
- Một là, vùng da bị thương tổn đều bị viêm đỏ và nổi mụn liên kết dính chùm nhau, giống mụn mủ.
- Hai là, thương tổn đau rát của viêm da tiếp xúc do côn trùng rất dễ nhầm với đau nhức của zona.
- Ba là, thương tổn của zona thường chỉ bị một bên người, dễ lầm với thương tổn da do côn trùng tiếp xúc khi cũng bị ở một bên người và có khi 2 bên người.

PV: Vậy thưa BS, bệnh zona và bệnh viêm da do tiếp xúc côn trùng gây ra khác nhau như thế nào?
BS. Nguyễn Đức Long: Viêm da gây ra bởi côn trùng và bệnh zona về mặt lâm sàng có một vài điểm giống nhau như tôi vừa nói, đến nỗi chúng tôi theo dõi và nhận thấy ở các tuyến chuyển đến thường chẩn đoán chung là zona, nhiều người lầm tưởng hai bệnh này là một, song thực tế, chúng khác nhau rất rõ ràng. Loại côn trùng gây viêm da thường xuất hiện vào những tháng thời tiết giao mùa, là loại côn trùng có cánh cứng, thân mảnh dài, khoảng từ 7 – 10mm, có 3 đôi chân, thân có 2 vòng đỏ, 3 vòng đen, có khả năng bay và chạy rất nhanh, thích ánh đèn, nhất là đèn huỳnh quang.


Một số hình ảnh viêm da tiếp xúc gây ra bởi côn trùng.
Côn trùng thường ẩn náu ở bờ ruộng, dưới những đống vật liệu dư thừa, quanh gốc rạ, bãi cỏ, bụi cây, ruộng rau, bãi rác… sau những cơn mưa bị ngập nước không còn nơi cư trú, chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn đậu vào khăn mặt, áo quần, giường chiếu, chăn màn, khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng hoặc vô ý đập làm cho côn trùng giập nát trên da thì xuất hiện bệnh tại vùng đó. Viêm da giống như vết cào xước, có xu hướng tạo thành vệt dài, người bệnh cảm thấy bỏng rát, phù nhẹ, ít ngứa, kèm theo nhiều mụn nhỏ có màu vàng giống như mụn mủ.

Còn bệnh zona thường gặp ở những người trước đó bị thủy đậu, sau đó virut khu trú tại các hạch cảm giác ở thần kinh vùng thắt lưng. Khi cơ thể mệt mỏi, suy giảm miễn dịch thì virut theo đường thần kinh tái hoạt gây bệnh. Lúc đầu sốt 380C, nhức đầu mệt mỏi, tiếp theo nổi những mụn nước, thường liên kết lại với nhau dính chùm, quan sát kỹ có thể thấy lõm giữa trên bề mặt của mụn nước, đau nhức chứ không ngứa, tuổi càng lớn, mức độ đau nhức càng tăng. Vị trí thường gặp là liên sườn, thường có viêm hạch liên quan.

PV: Vậy thưa BS, chữa thế nào cho khỏi bệnh zona và bệnh viêm da do tiếp xúc với côn trùng?
BS. Nguyễn Đức Long: Đúng như các cụ ta nói, bệnh nào thuốc ấy. Bệnh viêm da do tiếp xúc với côn trùng chỉ cần rửa thương tổn bằng các dung dịch như nước muối sinh lý hoặc nước sạch để trung hòa hóa chất gây bỏng do côn trùng gây ra, dùng các thuốc bôi làm dịu như kem kẽm, kem corticoid… Nếu nhiễm khuẩn, ta có thể dùng thêm kem kháng sinh bôi tại chỗ. Nếu điều trị đúng và kịp thời, trong khoảng 7-10 ngày là khỏi, không để lại vết sẹo. Còn bệnh zona điều trị bằng acyclovir đường uống và đường bôi, chống viêm giảm đau và an thần, bệnh sẽ khỏi trong 2 – 3 tuần, sau khi lành, bệnh có thể để lại dấu hiệu giảm sắc trên da.

PV: Với tư cách là một bác sĩ, khi bệnh nhân được chuyển tới, liệu có thể nhận biết được ngay bệnh nhân zona hay bệnh nhân viêm da do tiếp xúc với côn trùng? Hay phải qua xét nghiệm?
BS. Nguyễn Đức Long: Với bác sĩ chuyên khoa da liễu thì chỉ cần chẩn trị lâm sàng là có thể phân biệt được 2 bệnh này.

PV: Hiện tại, sự nhầm lẫn giữa bệnh zona với bệnh viêm da do tiếp xúc với côn trùng đang là vấn đề thời sự đáng quan tâm. Bác sĩ có muốn nhắn gửi ý kiến gì tới bệnh nhân và đồng nghiệp không?
BS. Nguyễn Đức Long: Tỷ lệ nhầm lẫn là rất cao, lý do và hậu quả của việc chẩn đoán nhầm đã được phân tích ở trên, cần phân biệt giữa 2 bệnh này trước khi tiến hành cho điều trị. Không điều trị nếu chưa rõ chẩn đoán. Điều trị viêm da tiếp xúc bởi côn trùng rất đơn giản như đã trình bày, có thể áp dụng ở tất cả các tuyến cơ sở. Nên có tuyên truyền cộng đồng để phòng tránh. Còn đối với zona thì không thể dự phòng được, tốt nhất là khi chưa phân biệt được thì nên chuyển khám chuyên khoa da liễu để có cách xử lý thích hợp, không nên tự điều trị.

PV: Xin cảm ơn những phân tích lý lẽ, kỹ càng của bác sĩ.

Nguyễn Quang Hà (thực hiện)
Theo SKĐS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
TRANG TIN KHOA HỌC VỀ BỆNH VIÊM DA CƠ ĐỊA © 2012 | Designed by Canvas Art, in collaboration with Business Listings