Tôi xét nghiệm tại BV Da liễu Trung ương, kết quả là bị vảy nến á sừng. Xin hỏi làm sao đễ chữa khỏi?
Em Khánh thân mến,
Vảy nến và bệnh á sừng là 2 bệnh hoàn toàn khác nhau. Em hãy cùng AloBacsi tìm hiểu một chút về 2 bệnh này, em nhé!
Á sừng ở tay |
Vảy nến biểu hiện trên da là các mảng đỏ khi đè lên thì màu đỏ này biến mất, có ranh giới rất rõ với vùng da lành bên cạnh và đóng vảy trắng đục, kích thước từ vài cm đến hàng chục cm (gọi là vảy nến mảng) hoặc chỉ là các thương tổn màu đỏ, khá đồng đều, hơi gồ lên mặt da kích thước chừng vài mm (gọi là vảy nến giọt), nếu bệnh nặng sẽ lan rộng toàn thân (gọi là vảy nến toàn thân).
Khi cào, gãi thì vảy bị rớt ra một cách dễ dàng giống như sáp đèn cầy nên có tên gọi là vảy nến. Các thương tổn này phân bổ một cách đối xứng ở rìa chân tóc, da đầu (trông giống như gàu), khuỷu tay, đầu gối, vùng xương cụt, bộ phận sinh dục hoặc các nếp gấp.
Bệnh không đau, có thể gây ngứa ít hay nhiều. Trường hợp nặng có thể gây sốt, sưng, đau và biến dạng các khớp làm giới hạn vận động, hay có thể làm cho đỏ da toàn thân không hồi phục.
Nguyên nhân chính gây ra bệnh vảy nến là do bất thường miễn dịch. Ngoài ra, yếu tố di truyền, căng thẳng, các chấn thương tâm lý, thuốc, nhiễm liên cầu trùng, nhiễm siêu vi... cũng ảnh hưởng trên sự khởi phát, tái phát hoặc làm bệnh nặng thêm.
Á sừng là bệnh ngoài da khá phổ biến với biểu hiện thường gặp là: các đầu ngón tay, chân, gót chân khô ráp, tróc da, nứt nẻ ở rìa do lớp sừng chuyển hóa dở dang, tế bào còn nhân và nguyên sinh, chưa chuyển hóa hết thành sừng (gọi là sừng non).
Vào mùa nóng, vùng da bệnh bị ngứa, nổi mụn nước, lâu ngày có thể làm các móng xù xì lỗ chỗ. Vào mùa lạnh, tình trạng nứt nẻ tăng lên làm vùng da tổn thương dễ bị nức toác ra, chảy máu.
Nguyên nhân gây á sừng đến nay vẫn chưa xác định, song nhiều nhà khoa học cho rằng đó là do yếu tố di truyền trong gia đình hoặc thói quen dinh dưỡng không cân đối, thiếu vitamin, nhất là A, C, D, E… sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lớp sừng.
Về việc điều trị thì á sừng là viêm da do cơ địa dị ứng, có thể tự khỏi khi có sự thay đổi nội tiết như đến tuổi dậy thì, mang thai, mãn kinh… Phương pháp điều trị hiện nay là bôi tại chỗ vùng da tổn thương bằng các thuốc tạo sừng và sử dụng kết hợp với thuốc bôi kháng sinh hay chống nấm nếu bị nhiễm khuẩn hay nhiễm nấm. Trường hợp nặng có thể phải dùng corticoid, kháng histamin.
Còn đối với bệnh vẩy nến là bệnh do bất thường miễn dịch, hiện nay chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn.
Các thuốc ức chế sự hình thành quá trình miễn dịch, ức chế sự tân sinh và thuốc chứa chất vitamine A acide là các thuốc đặc trị, được dùng cho trường hợp vảy nến kháng trị hoặc vảy nến mủ, cho kết quả điều trị khá tốt nhưng có nhiều tác dụng phụ và rất đắt tiền.
Việc trị liệu chỉ nhằm mục đích giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp thuyên giảm các biểu hiện ngoài da, giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng nề, khó chữa như tổn thương khớp, vảy nến mủ hoặc bệnh đỏ da toàn thân.
Do đó, vẫn phải “chung sống hòa bình” với nó thôi em. Em cứ tiếp tục khám chuyên khoa Da liễu, BS sẽ tư vấn cho em kỹ hơn về việc trị liệu 2 bệnh trên, em nhé!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét