THUỐC CHỮA VIÊM DA CƠ ĐỊA HIỆU QUẢ NHẤT


Chàm (còn gọi là viêm da cơ địa) là một dạng viêm da dị ứng mạn tính, thường xuất hiện ở trẻ em, số ít trường hợp xuất hiện ở người lớn.
Bệnh thường xảy ra ở những người có cơ địa mắc các bệnh dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn...
Đặc trưng bởi các đám ban đỏ hình tròn, bị bong trợt da, trên bề mặt có các mụn nước và vảy tiết, xuất tiết nhiều dịch viêm và xung quanh bị phù nề, ngứa nhiều, nhất là về đêm.
thuốc chữa viêm da cơ địa hiệu quả nhất
THUỐC CHỮA VIÊM DA CƠ ĐỊA HIỆU QUẢ NHẤT
Bệnh chàm thường diễn biến qua ba giai đoạn chính:
Giai đoạn cấp tính: Triệu chứng chính là các mụn nước chi chít tập trung trên một nền da đỏ hỏn, phù nề do bị viêm, ngứa nhiều vùng tổn thương. Sau đó các mụn nước này vỡ ra rất nhanh và chảy nhiều nước màu vàng.
Giai đoạn bán cấp: Hiện tượng chảy nước vàng giảm dần, da bắt đầu hết phù, bớt đỏ.
Giai đoạn mạn tính: Các giai đoạn cấp và bán cấp kéo dài khoảng vài tháng, nếu không được điều trị đúng thuốc, bệnh không khỏi sẽ trở thành mạn tính. Triệu chứng ngứa tăng lên, vì vậy bệnh nhân gãi nhiều làm cho da bị viêm, dày cộm, nếp da sâu xuống gọi là "giếng chàm". Các giếng chàm gây ngứa rất nhiều, nhất là ở trẻ em làm cho các cháu quấy khóc nhiều về đêm. Nhiều bệnh nhân gãi đến mức gây chảy máu.
Ngoài ra, người ta còn phân chia bệnh chàm thành các thể lâm sàng khác nhau, gồm:
Chàm thể tạng: gặp ở cả trẻ em và người lớn. Chàm thể tạng ở trẻ em thường gặp ở trẻ đang bú mẹ, có thể gặp ngay ở những tháng đầu mới sinh, cũng có thể gặp ở trẻ 2, 3 tháng tuổi. Thường gặp nhất ở hai má, cằm, trán, mũi. Mụn nước sắp xếp thành từng đám, ranh giới không rõ ràng.
Chàm nhiễm khuẩn: Loại này có thể xuất hiện chung quanh vết thương, vết bỏng, vết loét do giãn tĩnh mạch bị nhiễm khuẩn: Các vết chàm này hình dạng có bờ rõ, trên bề mặt của chúng có vảy tiết, dưới là lớp da đỏ ướt và kèm theo những mụn nước tiết dịch.
Chàm da mỡ: Gặp ở người có da tăng tiết mỡ (tăng tiết chất bã), thường gặp ở vùng trước ngực, sau lưng nhất là vùng ranh giới giữa hai xương bả vai, da đầu...
Chàm tiếp xúc: Do tiếp xúc với dị nguyên, loại này hay gặp nhất trong một số nghề nghiệp như dệt len, thuộc da, công nghệ nhựa...
Hiện nay, không loại thuốc nào có thể điều trị khỏi dứt điểm viêm da cơ địa. Có 3 biện pháp cơ bản cần được tiến hành song song là chăm sóc da, loại trừ nguyên nhân gây bệnh hoặc làm nặng bệnh và điều trị bằng thuốc. Để giữ độ ẩm cho da, người bệnh nên tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng da như xà phòng, chất sát trùng, hoá chất, khói thuốc lá, rượu bia... Sử dụng gạc ướt để đắp các tổn thương da nặng hoặc kéo dài giúp giảm ngứa và làm mềm da.
Những loại thức ăn làm nặng bệnh cần phải được loại trừ khỏi chế độ ăn. Nếu bụi nhà là thủ phạm, nên lau rửa giường, thay ga đệm hàng tuần, dùng quạt gió để giảm độ ẩm trong nhà... Các loại glucocorticoid bôi tại chỗ như betamethasone, clobetasone thường được sử dụng 2 lần mỗi ngày trong giai đoạn cấp, sau khi bệnh đã được kiểm soát, có thể bôi cách ngày hoặc 2 lần mỗi tuần tại nơi tổn thương để ngăn ngừa bệnh tái phát. Tác dụng phụ của thuốc tùy thuộc vào cường độ tác dụng và thời gian sử dụng thuốc, thường gặp nhất là rạn da, nổi trứng cá, dãn mạch, teo da... Những loại glucocorticoid có tác dụng mạnh (như sicorten plus, dermovate...) chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và tại những vùng dày sừng, không dùng ở mặt và những vùng da mỏng.
Một số thuốc ức chế miễn dịch bôi tại chỗ như tacrolimus có hiệu quả và độ an toàn khá cao trong điều trị viêm da cơ địa. Các thuốc kháng histamin thế hệ 1 như chlopheniramin, hydroxyzin có tác dụng an thần và giảm ngứa nên được sử dụng vào tối trước khi đi ngủ để giảm ngứa về đêm. Glucocorticoid đường uống hoặc tiêm mặc dù có tác dụng tốt nhưng thường gây tái phát bệnh mạnh hơn sau khi ngưng thuốc nên chỉ sử dụng trong những trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng với các điều trị tại chỗ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
TRANG TIN KHOA HỌC VỀ BỆNH VIÊM DA CƠ ĐỊA © 2012 | Designed by Canvas Art, in collaboration with Business Listings