Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là một bệnh thường gặp. Bệnh được biểu hiện với nhiều hình thể lâm sàng khác nhau. Lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh viêm da cơ địa.
viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ
Khái niệm
Viêm da cơ địa là biểu hiện ngoài da của cơ địa atopy. Theo thống kê hàng năm của ngành Da liễu bệnh chiếm từ 20 – 25% tổng số các bệnh ngoài da. Bệnh hay gặp ở trẻ từ 2 – 24 tháng tuổi, tuy nhiên cũng có thể gặp ở thanh thiếu niên và người lớn. Theo Degos.R trẻ dưới 7 tuổi chiến từ 80 – 90% và khoảng 10% kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Bệnh tuy không gây tử vong nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt, tâm lý và năng suất lao động của người bệnh. Tỷ lệ bệnh ngày càng tăng do nhiều lý do khác nhau như sự xuất hiện các dị nguyên trong không khí ngày càng tăng, sử dụng hoá chất trong đời sống sinh hoạt ngày càng nhiều.
Nguyên nhân và căn sinh bệnh học
Viêm da cơ địa là một phản ứng viêm, bệnh phát sinh dựa vào 2 yếu lố là tác nhân kích thích và cơ địa dị ứng.
Tác nhân kích thích (dị ứng nguyên)
Tác nhân ngoại giới: gồm các yếu tố tác động từ bên ngoài vào cơ thể con người (yếu tố vật lý hoá học, sinh học…)
Tác nhân nội giới: Gồm tất cả các rối loạn chức phận nội tạng (bệnh tiêu hoá, nội tiết…) đều có thể là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp gây nên bệnh viêm da cơ địa.
Cơ địa dị ứng
Dù nguyên nhân ngoại giới hay nội giới đều liên quan đến cơ địa đặc biệt của cơ thể dẫn đến phản ứng dị ứng.
Sự liên quan đến gen di truyền
Trên thực tế bệnh có tính chất gia đình rõ rệt: Nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh dị ứng thì 75% con cái của họ bị viêm da cơ địa, nếu chỉ có mình bố hoặc mẹ thì tỷ lệ này là 58%
Sự liên quan đến gen bệnh
Gần đây người ta đã phát hiện ra các gen có liên quan tới bệnh nhân viêm da cơ địa như gen của các Cytokines IL4, IL5; gen Chymase của dưỡng bào Mastocyte, gen của thụ thể IL4 hoặc chuỗi β có thụ thể ái tính với IgE, thụ thể này không có ở trên da người bình thường, còn da tại vùng tổn thương của bệnh nhân viêm da cơ địa, thụ thể này tăng cao.
Dịch tễ học
Theo báo cáo của phòng khám Viện Da liễu quốc gia, có khi viêm da cơ địa chiếm khoảng 20% số bệnh nhân đến khám tại phòng khám. Bệnh thường gặp vào hai tháng đầu, có tới 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong năm đầu, 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh từ 6-20 tuổi. Rất hiếm bệnh nhân phát bệnh khi trưởng thành, bệnh gặp ở cả nam và nữ nhưng nam thường gặp hơn nữ.
Biểu hiện lâm sàng
Giai đoạn cấp tính
Biểu hiện bệnh khi cấp tính là đám da đỏ ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vẩy da. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết chợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng. Bệnh thường khư trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình.
Biểu hiện bán cấp
Với các triệu chứng nhẹ hơn, da không phù nề, tiết dịch.
Giai đoạn mạn tính
Da dày thâm, ranh giới rõ, liken hoá, các vết nứt đau; đây là hậu quả của việc bệnh nhân ngứa gãi nhiều. Thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân.
Triệu chứng bệnh thường gặp
Khô da, ban đỏ- ngứa tạo thành vòng xoắn bệnh lý: ngứa-gãi-ban đỏ-ngứa… Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng khác như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt và viêm ngứa họng, hen. Các biểu hiện bệnh lý như chứng vẽ nổi, bệnh vẩy cá thông thường, dày sừng nang lông…có thể gặp trên bệnh nhân viêm da cơ địa.
Vị trí hay gặp
Mặt, trán, mặt gấp các chi, gáy, mi mắt, cổ tay, mu tay, mu chân, trường hợp nặng có thể lan toàn thân.
Tiến triển
Không điều trị bệnh tiến triển trong nhiều tháng, nhiều năm. Khoảng gần 50% bệnh khỏi khi ở tuổi thiếu niên, nhưng cũng nhiều trường hợp bệnh tồn tại lâu trong nhiều năm cho đến tuổi trưởng thành. Nhiều bệnh nhân bị hen hoặc các bệnh dị ứng khác.
Chẩn đoán
Có 4 tiêu chuẩn chính để chẩn đoán:
- Ngứa.
- Viêm da mạn tính và tái phát.
- Hình thái và vị trí thương tổn điển hình .
Trẻ em: Chàm khu trú ở mặt, vùng duỗi.
Trẻ lớn và người lớn: Dày da, Lichen vùng nếp gấp.
- Tiền sử cá nhân hay gia đình có bệnh cơ địa dị ứng như hen, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa.
Các tiêu chuẩn phụ:
Khô da, viêm môi, đuc thủy tinh thể, viêm kết mạc mắt, dị ứng thức ăn, chàm ở bàn tay, dễ bị nhiễm trùng da và hay tái phát, ngứa khi ra mồ hôi, vẩy phấn trắng, các tổn thương khác giống dày sừng nang lông, chàm núm vú, quầng thâm quanh mắt, xét nghiệm IgE tăng.
Điều trị
Người bệnh nên tránh chà xát, không gãi là một việc rất quan trọng. Ðồng thời dùng các thuốc bôi, thuốc uống chống ngứa. Bôi kem dưỡng ẩm rất cần thiết vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Loại trừ và tránh các chất gây dị ứng như đề cập ở trên.
Ðiều trị viêm da cơ địa cần rất cẩn trọng, có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh, đối với trẻ nhỏ là bố mẹ bệnh nhân.
Viêm da cơ địa cấp tính: cần đắp ẩm thương tổn và bôi kem corticoit+ kháng sinh. Cho kháng sinh uống để chống tụ cầu trùng vàng trong trường hợp bội nhiễm. Kháng histamin chống dị ứng và chống ngứa.
Viêm da cơ địa bán cấp và mạn tính được điều trị bằng các thuốc sau:
Làm ẩm da bằng kem bôi hoặc sữa tắm có kem.
Thuốc corticosteroid: rất có hiệu quả đối với viêm da cơ địa nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ nguy hại nếu dùng lâu dài, do vậy cần có chỉ định chặt chẽ.
Các thuốc chống viêm khác không phải corticosteroid như tacrolimus có thể thay thế corticosteroid mà không gây các tác dụng phụ nhý thuốc này và có thể dùng lâu dài, thuốc có thể chống viêm và chống ngứa.
Uống kháng histamin chống ngứa.
Một số trường hợp nặng có thể uống corticoid, nhưng cần có chỉ định chặt chẽ của thầy thuốc.
Phác đồ điều trị một bệnh nhân viêm da cơ địa:
Chống khô da bằng các thuốc dưỡng ẩm.
Điều trị bằng bôi corticosteroid trong thời gian ngắn, sau đó duy trì bôi tacrolimus dưỡng ẩm thời gian dài để tránh tái phát bệnh.
Chống nhiễm tụ cầu bằng thuốc kháng sinh bôi hoặc uống.
Kháng histamin chống ngứa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét